VYC logo VYC TRAVEL
Banner Default

KHÁI NIỆM VÙNG BẮC CỰC


Bắc Cực (Arctic) là khái niệm chỉ vùng viễn Bắc của Trái Đất, với trung tâm là Điểm Bắc Cực (North Pole). Bắc Cực đặc trưng bởi vị trí địa lý, điều kiện đặc biệt của khí hậu, và hệ sinh vật. Từ đó, người ta đưa ra một số tiêu chuẩn để xác định phạm vi Bắc Cực. 
 

Đoàn VYC Travel "Thám hiểm Bắc Cực", hành trình khởi hành từ ngày 01/05/2018

Về phạm vi địa lý, Bắc Cực được xác định là vùng nằm ở bên trong của Bắc Cực Khuyên (Arctic Circle). Đây là một đường chạy vòng quanh Địa Cầu ở vị trí tương đương vĩ tuyến 66°33′46.8″ Bắc. Đường này giới hạn cho khu vực mà ở đó có tối thiểu 24 giờ / năm Mặt Trời chiếu sáng liên tục. Các vùng nằm giữa đường này và Điểm Bắc Cực sẽ có hiện tượng Mặt Trời giữa đêm (Midnight Sun), hay còn gọi là Đêm Trắng, Các vùng càng gần Điểm Bắc Cực và xa Bắc Cực Khuyên thì càng có nhiều thời gian mà Mặt Trời chiếu sáng liên tục hơn. Điểm Bắc Cực được hiểu là ở vĩ độ 90 Bắc.

Ví dụ: Cả hai thành phố Longyearbyen và Bodø đều nằm bên trong Bắc Cực Khuyên, và do đó đều có hiện tượng Mặt Trời nữa đêm. Longyearbyen nằm ở vĩ tuyến 78° Bắc, nghĩa là rất gần Điểm Bắc Cực, có hiện tượng Mặt Trời chiếu sáng liên tục suốt 128 ngày. Trong khi đó Bodø nằm ở vĩ tuyến 67° Bắc, nghĩa là gần Bắc Cực Khuyên hơn và xa Điểm Bắc Cực hơn, thì chỉ có 42 ngày Mặt Trời chiếu sáng liên tục.

Bên cạnh phân phạm vi Bắc Cực về mặt địa lý, người ta còn xác định phạm vi Bắc Cực dựa trên điều kiện nhiệt độ. Theo đó, Vùng Bắc Cực (Arctic Region) là vùng nằm ở viễn Bắc và có nhiệt độ ở tháng nóng nhất trong năm không vượt quá 10o C.

Hình minh họa dưới đây mô phỏng bản đồ Bắc Cực, thể hiện cả Bắc Cực Khuyên (đường đứt khúc màu xanh) và phạm vi của Vùng Bắc Cực (đường màu đỏ). 
 

Bắc Cực Khuyên (đường đứt khúc màu xanh) và phạm vi của Vùng Bắc Cực (đường màu đỏ)
 
Có thể nhận thấy thành phố Norilsk của Nga nằm bên trong Bắc Cực Khuyên nhưng không thuộc Vùng Bắc Cực, còn thành phố Nuuk ở Thanh Đảo (Greenland) nằm trong Vùng Bắc Cực nhưng không nằm bên trong Bắc Cực Khuyên. Trong khi đó, thành phố Longyearbyen vừa nằm bên trong Bắc Cực Khuyên vừa thuộc Vùng Bắc Cực.

Hiện nay có một số địa điểm có người sinh sống và làm việc cận kề điểm Bắc Cực. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện một khu định cư có đầy đủ cơ sở hạ tầng và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn là một thành phố, thì Longyearbyen tọa lạc trên quần đảo Svalbard là thành phố nằm gần Điểm Bắc Cực nhất thế giới. Longyearbyen có hơn 2.000 cư dân sinh sống, hoạt động trên nhiều ngành nghề kinh tế, có một trường đại học và một sân bay dân sự kết nối với hai sân bay ở đất liền Na Uy là Tromsø và Oslo.

Thành phố Longyearbyen nằm trên vĩ tuyến 78°13′ Bắc, hiện nay là khu định cư quy mô cận kề Điểm Bắc Cực nhất thế giới. Trước đây có 2 thị trấn cũng ở Svalbard có vĩ độ gần Điểm Bắc Cực hơn Longyearbyen, là Ny-Ålesund và Pyramiden, hoạt động trong lĩnh vực khai thác than đá, nhưng về sau cư dân đã lần lượt rời bỏ những thị trấn này. 
 

Hình ảnh vệ tinh
 
Ny-Ålesund từng là thị trấn gần Điểm Bắc Cực nhất, nằm trên vĩ tuyến 78°55′ Bắc, với đa số cư dân là người Na Uy, nhưng nay chỉ là khu vực của các trạm nghiên cứu quốc tế với 35 chuyên gia cư ngụ. Pyramiden, nằm ở vĩ tuyến 78°39′ Bắc, từng là thị trấn của người Nga với thời kỳ cao điểm có đến 1.200 cư dân, nhưng nay chỉ là một thị trấn bỏ hoang, và trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng.
 

Tàu đang chở hành khách hướng về "thị trấn ma" Pyramiden

Nếu xét về nơi có người sống và làm việc ổn định quanh năm, thì Alert trên đảo Ellesmere của Canada là gần Điểm Bắc Cực nhất vì nằm trên vĩ tuyến 82°28′ Bắc. Tuy nhiên, Alert hoạt động như một căn cứ quân sự và trạm nghiên cứu chứ không phải một khu định cư dân sự và cũng không có các hoạt động dân sự phổ thông. Ngoài ra, quy mô nhân khẩu của Alert cũng rất nhỏ, chỉ 74 người.

Do đó hiện nay, Longyearbyen tọa lạc ở thung lũng Longyear, là thành phố đầy đủ chức năng dân sự nằm gần điểm Bắc Cực nhất thế giới.

Longyearbyen được thành lập vào năm 1907, từng bị hải quân Đức Quốc Xã pháo kích tàn phá vào năm 1943 và được tái thiết sau Đệ Nhị Thế Chiến. Đa số cư dân nơi đây là người Na Uy, trong khi có khoảng 14% cư dân là người Thái Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Nga.

Nhiệt độ trung bình thấp vào tháng lạnh nhất ở Longyearbyen là –21°C, trong khi ở Điểm Bắc Cực là –35°C.

 

Trải nghiệm xe chó kéo đến khám phá động băng ở Bắc Cực

Hệ động vật ở Bắc Cực kém phong phú do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Loài vật nổi tiếng nhất Bắc Cực có lẽ là gấu trắng. Ngoài ra, còn có các loại khác như cáo Bắc Cực, tuần lộc, hải âu fulmar phương Bắc, hải cẩu vịnh biển (harbor seal), hải tượng (walrus). Ngoài khơi có một số loài cá voi, dễ thấy nhất là cá voi lưng gù.

Tuy nhận thức của con người về các chuyến du hành đến “Bắc Cực” có từ thời Hy Lạp cổ đại, nhưng lịch sử khám phá và chinh phục Bắc Cực thực sự bắt đầu từ thời cận đại và tiếp nối sang thời hiện đại. Các chuyến khám phá Bắc Cực trong thời Hiện đại đi liền với công cuộc định cư và khai thác Bắc Cực, điển hình là hoạt động khai phá quần đảo Svalbard. Ngày nay, xét về vĩ độ, thì cư dân sinh sống gần Bắc Cực nhất là người Na Uy.

 
Bài viết này có hữu ích với bạn hay không?
Rất hữu ích Rất hữu íchRất hữu ích
Hữu ích Hữu íchHữu ích
Không hữu ích Không hữu íchKhông hữu ích

Xem thêm

Ý kiến khách hàng

Thông tin du Lịch

Kinh Nghiệm du Lịch

Banner VYC
Facebook messenger