VYC logo VYC TRAVEL
Banner Default

TẤT TẦN TẬT HƯỚNG DẪN CHUẨN BỊ PHỎNG VẤN XIN VISA MỸ

Việc Phỏng vấn Visa Mỹ với nhân viên Lãnh Sự là một trong những thủ tục quan trọng và quyết định trong quá trình xin Visa Du lịch Mỹ. Do vậy trước khi phỏng vấn, bạn cần phải chuẩn bị kỹ càng cho nhiều yếu tố để đảm bảo có được một buổi Phỏng vấn Visa Du lịch Mỹ thành công. Trong bài viết này, VYC Travel sẽ “bật mí” cho bạn tất tần tật hướng dẫn chuẩn bị Phỏng vấn xin Visa Mỹ. Sau đây là những Kinh nghiệm Phỏng vấn Visa Mỹ được đúc kết qua những trường hợp đã Phỏng vấn thành công cũng như thất bại và kiến thức thực tiễn phong phú của các chuyên viên Visa VYC Travel tổng hợp, mời bạn tham khảo: 
 

Xem video Tất Tần Tật Phỏng Vấn Visa Mỹ P1


Xem video Tất Tần Tật Phỏng Vấn Visa Mỹ P2

 
1/ Tập dượt trước cách trả lời, phong thái, ngôn ngữ cơ thể,... trước khi Phỏng vấn Visa Mỹ
 
Kinh nghiệm Phỏng vấn Visa Du lịch Mỹ bước đầu tiên bạn phải luyện Phỏng vấn để khỏi bỡ ngỡ
 
Trước ngày Phỏng vấn Visa Mỹ, bạn cần phải tập dượt trước cách trả lời, bao gồm cả việc trả lời những câu hỏi thường gặp cũng như phong thái, cử chỉ khi phỏng vấn. Việc tập luyện trước sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất, tự tin, hạn chế gặp bất ngờ, lo sợ, từ đó có được một buổi Phỏng vấn xin Visa Mỹ thuận lợi hơn.


a. Về phong thái và cách giữ bình tĩnh khi vào Phỏng vấn Visa Mỹ

Phong thái là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong buổi Phỏng vấn Visa Mỹ. Vì đây là điều mà người ta dễ dàng nhận thấy nhất, có thể gây thiện cảm hay khó chịu, nghi ngờ ngay lập tức với người đối diện. Các Viên chức Lãnh Sự khi phỏng vấn mỗi đương đơn đều chú ý kỹ lưỡng đến cách thể hiện, phong thái của từng người, xem người đó có tự tin không, có phô trương quá không, có rụt rè hay run sợ không…

Mỗi người có một cách thể hiện bản thân khác nhau nên việc thể hiện phong thái như thế nào là còn tùy trường hợp. Tuy nhiên, bạn phải nhớ những yếu tố quan trọng cần thể hiện trong buổi Phỏng vấn Visa Mỹ là tự tin, bình tĩnh và có một tâm trạng tốt trong suốt buổi Phỏng vấn Mỹ. Vì nếu bạn có được những điều này, khả năng ghi điểm với Viên chức Lãnh sự sẽ là cao hơn nhiều.

Trong trường hợp bạn lo lắng sẽ không giữ được bình tĩnh khi phỏng vấn, bạn có thể tham khảo một số mẹo nhỏ giúp bạn giữ được tâm trạng, phong thái khi vào phỏng vấn sau đây:

+ Thả lỏng cơ thể để giữ cho bản thân được thoải mái nhất có thể;

+ Thử đổi “vai diễn” rằng bạn sẽ là nhân viên Lãnh Sự để từ đó có thể hiểu thêm về vị trí đối phương, lấy được sự tự tin;

+ Một cách nữa mà bạn có thể tham khảo đó là chuẩn bị sẵn tâm lý cho trường hợp xấu nhất, rằng nhân viên Lãnh Sự sẽ hỏi bạn những câu hỏi hóc búa mà bạn không trả lời được, sau đó thử tìm cách giải quyết trường hợp này với niềm tin rằng “Nếu bạn giải quyết được cả những câu hỏi khó nhất thì trong buổi Phỏng vấn chính thức, bạn sẽ không có lý do gì mà không trả lời được câu hỏi của nhân viên Lãnh Sự”.


 
b. Về ánh mắt
 
Việc phỏng vấn với Viên chức Lãnh Sự là một cuộc trao đổi trực tiếp, mặt đối mặt giữa bạn và người phỏng vấn. Trong khoảng thời gian chỉ vài phút này, việc thể hiện ánh mắt như thế nào cũng là điều tưởng như rất nhỏ nhưng khá quan trọng. Các chuyên viên Lãnh Sự sẽ luôn tập trung, chú ý đến từng hành động, cử chỉ dù là nhỏ nhất của bạn nên nếu không có sự hướng dẫn, tập luyện và chuẩn bị kỹ lưỡng, dù chỉ một ánh mắt đáng nghi hoặc cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ quá trình phỏng vấn của bạn. Bạn có thể tham khảo cách giao tiếp bằng mắt sau đây với nhân viên Lãnh Sự, để có thể gây ấn tượng tốt với họ trong suốt buổi Phỏng vấn Visa Du lịch Mỹ:

Đầu tiên, khi trao đổi, trả lời câu hỏi, việc nhìn thẳng vào người đối diện là cần thiết, vì điều đó thể hiện sự trung thực, tự tin của bạn. Nhưng cũng không phải vì thế mà bạn nên nhìn chằm chằm hay nhìn quá lâu vào người phỏng vấn. Nên hãy nhìn thẳng nhưng không để ánh mắt tập trung quá 5 giây và cũng không nên nhìn tập trung chằm chằm vào người phỏng vấn mà không chớp mắt, đó là điều bất lịch sự. Thông thường bạn nên nhìn thẳng khi nhân viên Lãnh Sự đang hỏi bạn, khi bắt đầu trả lời hay bắt đầu hỏi lại.

Bạn cũng nên tập luyện cử động mắt một cách “điều độ” có nghĩa là thỉnh thoảng nên để mắt nhìn lên trán, tóc hoặc nhìn xuống mũi hoặc cằm của người phỏng vấn,... không nên quá láo liên, nhìn các hướng liên tục. Khi bạn liên tục cử động đôi mắt của mình, nhân viên Lãnh Sự sẽ cảm thấy khó chịu vì họ sẽ nghĩ rằng bạn không tập trung, không nghiêm túc hay thậm chí đang cố gắng giấu diếm một điều gì đó.

Ấn tượng xấu này cũng sẽ xảy ra tương tự khi bạn không nhìn thẳng trong một thời gian dài, hay cố ý né tránh ánh mắt của nhân viên Lãnh Sự. Dù có thể bạn không dám nhìn họ đơn giản là vì bạn quá run nhưng với một chuyên viên trong Lãnh Sự Quán, người quyết định trực tiếp bạn có thể đạt Visa Du lịch Mỹ hay không, họ sẽ nghĩ rằng bạn đang có ý đồ hay đang đưa ra những câu trả lời không trung thực. Và dù ánh mắt này cho thấy là gì, sợ sệt, không trung thực, thiếu tập trung hay lo lắng, thì cũng khiến nhân viên Lãnh Sự chú ý và có một ấn tượng không tốt với phần phỏng vấn của bạn. Họ biết đâu sẽ đưa ra những câu hỏi hóc búa, hay dẫn đến nghi ngờ và không cấp Visa Mỹ cho bạn – điều hoàn toàn có thể xảy ra với việc xin Visa Du lịch Mỹ khi vòng phỏng vấn đóng một vai trò quan trọng trong việc cấp xét.



c. Về cử chỉ

 


 
Tương tự với ánh mắt, cử chỉ trong khi phỏng vấn Mỹ cũng là một yếu tố mà nhân viên Lãnh Sự sẽ chú ý quan sát để đánh giá bạn. Và để có được những cử chỉ tự tin nhất khi phỏng vấn, bạn phải cần một quá trình tư vấn và luyện tập. Bạn cũng cần chú ý một số cử chỉ cần tránh khi Phỏng vấn xin Visa Du lịch Mỹ:

- Không nở nụ cười: Khi bắt đầu vào phỏng vấn bạn nên gật đầu chào và cười lịch sự để tạo thiện cảm với người phỏng vấn và trong suốt quá trình trả lời, có thể cười một vài lần với nhân viên Lãnh Sự. Việc giữ một thái độ lạnh lùng, không hề nở một nụ cười nào trong suốt lúc phỏng vấn sẽ khiến không khí trở nên căng thẳng không cần thiết.

- Không nghiêm túc, nghịch ngợm tay: Phần phỏng vấn Visa Mỹ dù chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn từ 3 – 5 phút nhưng cũng đủ để nhân viên Lãnh Sự đánh giá hoặc có ấn tượng xấu về bạn, khi bạn liên tục có những cử động tay. Trong cuốn sách Crazy Good Interviewing, tiến sỹ John B.Molidor và Barbara Parus đề xuất: bạn có thể thả lỏng 2 tay thoải mái hoặc sắp xếp các đầu ngón tay thành hình ngọn tháp cho họ thấy bạn tự tin. Hạn chế chắp tay sau lưng, cho tay vào túi, chống nạnh.

- Bứt rứt không yên: Một tư thế nghiêm chỉnh cũng sẽ ghi điểm không ít trong cuộc nói chuyện giữa bạn và nhân viên Lãnh Sự. Bạn cũng cần tránh thực hiện những hành động gây khó chịu cho người đối diện như nghịch tóc, sờ mặt, bứt rứt, chạm tay vào mặt hay tỏ vẻ như đang sốt ruột.

- Khoanh tay trước ngực: Hành động tưởng chừng như vô cùng đơn giản nhưng có khả năng sẽ phá hỏng toàn bộ buổi Phỏng vấn xin Visa Mỹ. Nhân viên Lãnh Sự sẽ cho rằng bạn đang có một thái độ kiêu ngạo hay tỏ vẻ, hoặc đang có gì đó không trung thực cần che giấu. Để thể hiện sự trung thực và đáng tin, hãy cho bàn tay bạn trong tầm mắt của họ.

- Lạm dụng ngôn ngữ từ đôi tay: Trong quá trình phỏng vấn, đôi khi bạn cũng nên dùng đôi tay để minh họa cho câu trả lời. Nhưng tuyệt đối đừng nên lạm dụng điều này. Quá nhiều hành động "khua tay múa chân" hoặc cử động tay quá nhiều trong khi nói, hoặc chỉ trỏ bằng 1 ngón tay vào người đối diện sẽ làm người phỏng vấn khó chịu.


 
d. Lời chào trong buổi Phỏng vấn Visa Du lịch Mỹ

Để bắt đầu buổi Phỏng vấn Visa Mỹ, bạn đừng ngần ngại mà gửi đến nhân viên Lãnh Sự một lời chào với thái độ vui vẻ. Khi kết thúc buổi nói chuyện, dù bạn đạt Visa hay không bạn cũng nên gửi một lời chào tạm biệt và cảm ơn người đã Phỏng vấn bạn. Biết đâu rằng sau lới chào hoặc lời cảm ơn của bạn, thậm chí bạn vẫn chào thân thiện mặc dù bị đánh trượt, nhân viên Lãnh Sự sẽ suy nghĩ lại và cấp Visa cho bạn. Đã từng có trường hợp sau khi rớt Visa mà vẫn được đậu chỉ vì những hành động nhỏ, nên dù kết quả có như thế nào, hãy thể hiện mình là một người tự tin và lịch sự.

Bạn có biết Viên chức Lãnh sự quan sát bạn bằng hệ thống Camera giám sát trước, trong và cả sau khi Phỏng vấn Visa Mỹ. Ngay cả khi bạn ra khỏi quầy phỏng vấn. Nhất cử nhất động của bạn vẫn có thể bị quan sát. 

Xem thêm một số trường hợp rớt rồi vẫn gọi quay lại Phỏng vấn và cho đậu Visa, hoặc đậu rồi vẫn gọi lên hủy Visa vì các hành động sau sau khi rời khỏi quầy Phỏng vấn mà viên chức Lãnh sự quan sát được: Xem chi tiết

e. Hành động, cử chỉ khi ngồi chờ Phỏng vấn Visa Mỹ


 


Phỏng vấn Visa Mỹ là quá trình vô cùng đặc biệt, mà một trong số đó là việc bạn sẽ được theo dõi bởi hệ thống Camera ngay từ khi bắt đầu bước vào Lãnh Sự Quán cho đến khi ra về. Do vậy, trong suốt quá trình ngồi chờ phỏng vấn, bạn vẫn cần một thái độ cư xử lịch sự.

Bạn nên giữ trật tự, yên lặng ngồi chờ tới lượt mình phỏng vấn. Đừng liên tục lấy giấy tờ ra xem, hay cố bắt chuyện với những đương đơn khác hay thể hiện mình quá nhiều mà khiến các nhân viên Lãnh Sự chú ý.

Nếu ngay ngày bạn Phỏng vấn Visa Du lịch Mỹ có quá nhiều ứng viên cùng đợi. Bạn sẽ phải đợi khá lâu mà lại không được nói chuyện với ai, nhiều người sẽ bị lạnh và cảm giác run, hồi hộp ngày càng tăng. Bạn có thể áp dụng thử phương pháp hít thật sâu vào bằng mũi, đến khi căng phồng lồng ngực,... giữ khoảng 10 giây, sau đó từ từ thở ra. Làm 3 lần như vậy sẽ giúp người ấm lên và bớt run hơn, tự tin hơn.

Nhớ lưu ý làm nhẹ nhàng, tránh âm thanh thở ra tiếng quá lớn gây cảm giác như bạn đang thở dài hoặc bị khó thở vì làm như thế, sẽ càng có nguy cơ bị chú ý nhiều hơn.


f. Những lỗi không nên mắc phải khi trả lời Phỏng vấn Visa Mỹ

Phần Phỏng vấn Visa Du lịch Mỹ đôi khi chỉ diễn ra với vài câu hỏi, nhưng việc bạn trả lời những câu ấy như thế nào đôi khi sẽ hoàn toàn quyết định việc bạn sẽ được cấp Visa hay không. Có một số điều mà bạn tuyệt đối không được phạm phải khi đưa ra những câu trả lời của mình:

- Nói sai sự thật, dù chỉ một chi tiết nhỏ nhất: Viên chức Lãnh sự Phỏng vấn và cấp Visa Du lịch Mỹ cho bạn là những người có nhiều kinh nghiệm. Họ sẽ hoàn toàn có khả năng phát hiện ra những chi tiết mà bạn nói không đúng trong những câu trả lời đưa ra, dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất. Và cũng chính những chi tiết nhỏ ấy có thể khiến bạn rớt Visa một cách oan uổng. Bạn luôn phải ghi nhớ rằng, tất cả những chi tiết mà bạn trả lời hoàn toàn phải là trung thực và trùng khớp với những gì đã khai trong đơn DS 160.

- Thể hiện, khoe khoang: Đã từng có một trường hợp một kỹ sư của tập đoàn liên doanh lớn, có hồ sơ rất tốt nhưng bị trượt Visa Mỹ chỉ vì anh đã thể hiện rằng mình quá… giỏi với các nhân viên Lãnh Sự.

Khi được hỏi rằng anh đang làm gì, anh đã say mê kể về năng lực nghề nghiệp của mình và còn dành những lời có cánh cho những trình độ khoa học tiến bộ của Mỹ, đặc biệt là về ngành của anh. Anh còn có khả năng sử dụng Anh ngữ một cách thành thạo. Nhưng anh không thể ngờ rằng những điều này làm cho các nhân viên Lãnh Sự nghi ngại rằng anh có thể dễ dàng ở lại Mỹ. Vì với những kiến thức, cơ hội nghề nghiệp và khả năng ngoại ngữ của mình, anh ta hoàn toàn có thể thích nghi tốt nếu có ý định muốn ở lại. Vì vậy, việc khoe khoang thể hiện quá mức sẽ trở thành bất lợi khi Phỏng vấn xin Visa Mỹ. Bạn chỉ cần trả lời đúng, đủ thông tin một cách ngắn gọn và chân thành.

- Quên mất những thông tin cơ bản khi được hỏi: Dù chuẩn bị những cử chỉ, hành động kỹ lưỡng thế nào, bạn cũng cần nhớ đến việc căn bản khi trả lời Phỏng vấn Visa Mỹ là thể hiện rõ mục đích và những thông tin về chuyến đi của bạn sau khi có được Visa Mỹ. Bạn phải nhớ nằm lòng tất cả những thông tin thiết yếu như lịch trình, địa điểm, thành phố mà bạn đến, các thông tin cá nhân của người thân đang sống bên Mỹ của bạn (nếu có), hay giá Tour, lịch trình, thời gian khi tham gia chương trình Tour. Dù bạn có một phong thái tốt nhưng lại không thể đạt yêu cầu về phần quan trọng nhất là nội dung những câu trả lời, khả năng có được Visa Du lịch Mỹ của bạn cũng sẽ không cao.

 - Nói to, nói khó nghe, sử dụng những từ ngữ địa phương gây khó hiểu: Nhân viên Lãnh Sự là những người Mỹ, họ có thể nói được tiếng Việt, tuy nhiên, trong một số trường hợp họ sẽ không thể nào hiểu trọn vẹn ý của bạn. Khi bạn nói khó nghe hay nói quá nhiều từ địa phương. Mặt khác, việc bạn nói quá to có thể sẽ làm người phỏng vấn khó chịu và cho rằng bạn là người bất lịch sự. Nên điều chỉnh âm lượng và cách nói cũng là rất quan trọng mà bạn phải chuẩn bị, tập luyện để có một buổi phỏng vấn thành công hơn.


g. Tình huống xảy ra trong lúc Phỏng vấn Visa Du lịch Mỹ

- Tình huống gặp những câu hỏi không nghe rõ

Có một số sự cố trong lúc phỏng vấn mà bạn không thể lường trước được dù cho đã chuẩn bị. Chẳng hạn như việc không nghe rõ hoặc không nắm được ý câu hỏi của nhân viên Lãnh Sự. Lúc này, điều bạn cần làm chính là không được lo lắng, thiếu tự tin. Hãy mạnh dạn hỏi lại nhân viên Lãnh Sự rằng bạn không nghe rõ câu hỏi, để họ trình bày lại. Đừng đoán bừa ý mà đưa ra những câu trả lời không đúng trọng tâm hay sai sót, gây nên những bất lợi lớn hơn nhiều cho việc cấp Visa Mỹ của bạn so với việc không nghe kỹ một câu hỏi.

- Tình huống gặp câu hỏi chưa chuẩn bị trước

Đây là trường hợp rất thường xuyên xảy ra khi Phỏng vấn Visa Mỹ. Bởi các Viên chức Lãnh Sự sẽ sử dụng nhiều phương cách khác nhau để kiểm tra độ tin cậy của các đương đơn, mà một trong những cách đó là đưa ra câu hỏi khó và chờ xem phản ứng cũng như câu trả lời của những người xin Visa. Khi gặp phải tình huống này, bạn cần phải nắm rõ những phương pháp sau đây để tìm ra cách xử lý thích hợp nhất, bao gồm:

+ Giữ bình tĩnh

Bạn có biết không, bình tĩnh luôn được xem là giải pháp hữu hiệu nhất cho bất kỳ một sự cố bất ngờ nào xảy ra. Vì nếu giữ được bình tĩnh, bạn sẽ có được sự vững vàng, có thể suy xét thấu đáo và giải quyết mọi chuyện một cách hợp lý nhất. Và trong vòng phỏng vấn Visa Mỹ cũng vậy. Khi gặp phải những câu hỏi hóc búa từ phía Lãnh Sự Quán mà chưa chuẩn bị từ trước, việc giữ được một tâm lý bình tĩnh, phân tích kỹ câu hỏi để đưa ra câu trả lời hợp lý sẽ là cách giải quyết tốt nhất với bạn. Bạn cũng cần phải chắc rằng bản thân đã hiểu rõ câu hỏi. Nếu chưa, bạn có thể mạnh dạn và khéo léo hỏi lại Viên chức Lãnh Sự rằng ”Xin lỗi, tôi chưa nghe rõ câu hỏi?” hay “Có phải ý của anh/chị muốn hỏi tôi là… không?”. Viên chức Lãnh Sự có thể hoàn toàn thông cảm cho việc bạn không nghe kỹ câu hỏi, nhưng nếu không nắm rõ dụng ý của Viên chức lãnh Sự và đưa ra những câu trả lời không liên quan, điều này có thể sẽ gây ra bất lợi cho bạn.

+ Nếu cần thiết, đừng ngại xin phép kiểm tra lại thông tin trên hồ sơ

Nhiều câu hỏi bất ngờ mà phía Lãnh Sự Quán đưa ra thường sẽ xoáy sâu vào các vấn đề liên quan đến con số, chẳng hạn như: “Thu nhập chính xác của người thân anh/chị bên Mỹ hàng năm là bao nhiêu?” hay “Người thân anh/chị ở Mỹ kết hôn vào ngày tháng năm nào?”. Những câu hỏi liên quan đến con số, ngày tháng thường sẽ rất khó khăn để ghi nhớ và chuẩn bị. Nên nếu gặp phải câu hỏi dạng này, cách trả lời tốt nhất của bạn là: đưa ra một con số gần đúng, chẳng hạn như: “Thu nhập của em tôi ở Mỹ hàng năm là khoảng 40 nghìn USD.” Hay “Em tôi kết hôn vào tháng 6 năm 2009.” Sau đó, bạn có thể xin phép Viên chức Lãnh Sự để kiểm tra lại thông tin chính xác trong hồ sơ, rồi đưa ra câu trả lời chính xác cùng hồ sơ đó cho Viên chức Lãnh Sự xem. Họ cũng sẽ thông cảm cho bạn, nếu việc trả lời cua bạn là tự nhiên, hợp lý và dựa trên sự thật. Bạn đừng cố gắng nhớ ra con số gây mất thời gian phỏng vấn và khiến Viên chức Lãnh Sự phải chờ đợi, và càng không nên đưa ra một con số mà mình không chắc chắn để có thể sai lệch, bởi những điều này có thể sẽ làm Nhân viên Lãnh Sự nghi ngờ câu trả lời của bạn.

+ Trả lời thẳng thắn, tự tin và trung thực.

Sau khi hiểu được điều mà Viên chức Lãnh Sự muốn hỏi, việc bạn cần làm lúc này là đưa ra một câu trả lời với phong thái tự tin, thẳng thắn, để thể hiện rằng bạn không có gì phải sợ hãi hay giấu diếm thông tin, tạo niềm tin với người phỏng vấn. Nhưng quan trọng hơn cả, việc trả lời phải dựa trên sự thật, vì khi bạn trả lời dù chỉ có một chút sai sự thật, Viên chức Lãnh Sự có thể vẫn sẽ dễ dàng nhận ra và đánh giá bạn. Bạn phải hiểu rằng phía Lãnh Sự Quán dù có đặt ra những câu hỏi nào, thì ý nghĩa của câu hỏi cũng chỉ nhằm mục đích xác thực các thông tin mà bạn đã khai và kiểu tra xem liệu bạn có ý định hay động cơ nào khác khi sang Mỹ không. Vì vậy, nếu bạn trả lời dựa trên sự thật, họ cũng sẽ chẳng có lý do gì mà không đặt lòng tin ở bạn.

+ Cách xử lý khi bị hỏi dồn

Một trong những cách mà Viên chức Lãnh Sự thường dùng để kiểm tra sự trung thực của đương đơn là đặt nhiều câu hỏi ngắn, dồn và liên tục trong quá trình phỏng vấn. Khi gặp phải tình huống này, bạn cần bình tĩnh, giữ nhịp độ trả lời một cách từ tốn, vì nhiều người bị ảnh hưởng bởi nhịp độ của câu hỏi mà đưa ra những câu trả lời lắp bắp, không rõ ràng hay thậm chí là trả lời sai, khiến người phỏng vấn nghi ngờ. Bạn chỉ cần từ tốn trả lời từng câu một theo đúng sự thật, không nên sợ hãi hay vội vã. Quan trọng hơn, nếu bạn vượt qua được những câu hỏi dồn một cách suôn sẻ và thành công, khả năng đạt Visa của bạn sẽ là rất cao.

+ Cố gắng đừng tỏ ra sợ hãi hay bối rối

Khi xảy ra những tình huống gặp phải những câu hỏi không chuẩn bị trước, nhiều người sẽ có một số cử chỉ tỏ vẻ sợ hãi như cúi mặt xuống để suy nghĩ, hoặc lảng tránh ánh nhìn của Viên chức Lãnh Sự. Dù những cử chỉ như vậy là hoàn toàn tự nhiên, nhưng bạn cần phải cố gắng hạn chế chúng. Trong trường hợp này, sự bình tĩnh sẽ là một giải pháp hữu hiệu cho bạn. Hãy thể hiện mình một cách thật tự tin và chân thành, tương tác ánh mắt với Viên chức Lãnh Sự để họ có thể thấy được sự chân thành trong câu trả lời của bạn. Việc bạn tỏ ra run rẩy, sợ hãi sẽ không khiến họ thông cảm, mà đôi khi họ có thể còn nghi ngờ rằng bạn có gì đó giấu diếm hay động cơ nào đó nên mới phải sợ hãi như vậy.

+ Không nên im lặng quá lâu, nhưng cũng không nên trả lời vội

Có nhiều câu hỏi mà Viên chức Lãnh Sự đưa ra khiến bạn phải mất thời gian để có thể suy nghĩ và trả lời, tuy nhiên bạn cần lưu ý việc giữ im lặng quá lâu sau, hoặc ậm ừ khi câu hỏi kết thúc sẽ khiến cho phía Lãnh Sự Quán nghi ngờ. Bởi như đã nói, họ đặt ra nhiều câu hỏi để kiểm tra sự chân thực trong lời nói của bạn và những gì bạn đã khai. Nhưng cũng không nên vì lý do này mà bạn đưa ra những câu trả lời quá vội vàng, vì đôi lúc bạn có thể vì trả lời quá vội mà bị sai thông tin, gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến kết quả buổi Phỏng vấn Visa Mỹ. Trừ trường hợp bị hỏi dồn, bạn nên suy nghĩ trong 1-2 giây để trả lời một cách rành mạch, chính xác và thuyết phục nhất.


h. Nghệ thuật thuyết phục người khác
 

Vòng Phỏng vấn để xin Visa Mỹ là vô cùng quan trọng, dù diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Chính vì như vậy, bạn cần có một nghệ thuật để thuyết phục nhân viên Lãnh Sự. Nhưng thuyết phục về điều gì và như thế nào? Bạn cần thuyết phục họ rằng bạn có mục đích rõ ràng, chính đáng để đến Mỹ và có những điều kiện thích hợp để có thể đi Mỹ và sau đó quay trở về Việt Nam.

Còn về phương thức thuyết phục, bạn cần phải có một quá trình tìm hiểu, tập luyện, hoặc tìm đến sự hỗ trợ bởi những người có kinh nghiệm, chuyên môn trong việc xin Visa.


Bạn có thể tham khảo thêm: "Đi Mỹ để làm gì?" - Câu hỏi đánh rớt rất nhiều người Phỏng vấn Visa Mỹ

j. Nên tỏ ra “Nịnh” hay “Bất cần” trong lúc phỏng vấn?

Nhiều đương đơn trước lúc Phỏng vấn Visa Mỹ thường chuẩn bị phỏng vấn theo cách sẽ đưa ra những câu trả lời sao cho ngọt ngào nhất, thêm một chút yếu tố khen ngợi hay thậm chí tâng bốc nước Mỹ với suy nghĩ làm như vậy sẽ thể hiện được niềm yêu mến của bản thân đối với Hoa Kỳ, làm cho khả năng đạt Visa Mỹ sẽ cao hơn. Nhưng thực chất, việc phỏng vấn Visa Mỹ chỉ đơn giản là một quá trình kiểm tra của Lãnh Sự Quán với đương đơn muốn xin nhập cảnh vào Mỹ, để xem họ có đủ điều kiện hay có ý định sẽ ở lại Mỹ khi hết thời gian cho phép không? Họ thường sẽ không quan tâm đến việc bạn có yêu nước Mỹ hay không. Và đôi khi nếu bạn thể hiện thái quá, họ sẽ còn tỏ ra khó chịu và nghĩ rằng nếu bạn thật sự quá yêu nước Mỹ như thế, biết đâu bạn sẽ có dự định ở lại Mỹ sau khi chuyến đi kết thúc.

Như trường hợp của một bác nọ, khi được hỏi “Bác đi Mỹ để làm gì?” đã trả lời rất dài rằng “Tôi đi Mỹ vì tôi thật sự rất yêu đất nước này. Mỹ là một cường quốc thế giới nên tôi muốn một lần đặt chân đến đây để tham quan và thấy được đất nước này đẹp thế nào. Nên dịp này tôi quyết định phải đến Mỹ và tham quan thành phố New York.”. Nhưng sau phần trả lời này, Viên chức Lãnh Sự chỉ hỏi thêm bác một, hai câu nữa, rồi từ chối cấp Visa cho bác, dù hồ sơ của bác này rất đảm bảo. Có lẽ lý do bác không đạt Visa là vì câu trả lời, tưởng chừng như đầy đủ ý, nhưng lại không thể đưa ra được lý do chính xác vì sao bác lại muốn đến Mỹ, đồng thời quá dài dòng và có những lời nói tâng bốc, không mang tinh thật lòng.

Trong khi đó, có những trường hợp tỏ ra “bất cần”, thể hiện rằng mình chỉ cần đến Mỹ để tham quan, còn nếu không thể thì vẫn không sao, cuối cùng lại đậu Visa Mỹ, như chuyện dưới đây của Cô Nguyễn Thụy Nga - Q. Phú Nhuận - 59 tuổi dưới đây.

Chồng cô vừa qua đời 1 năm trước, cô khá buồn và xuống tinh thần. Một người bạn của cô muốn rủ cô đi du lịch Mỹ một lần để khuây khỏa tinh thần cũng như tìm lại niềm vui sống.

Xét về tình trạng hồ sơ của cô Nga như sau: vì trước giờ cũng ít đi du lịch, chưa ra nước ngoài bao giờ nên hộ chiếu của cô Nga hoàn toàn trắng. Tài chính của cô trước đây tuy ổn định nhưng cũng có ảnh hưởng một phần vì gia đình vừa xảy ra biến cố sau khi chồng mất, tài sản phải phân chia một phần. Cô bạn thân đi cùng với cô thì tình hình cũng chẳng khả quan hơn – cô này cũng từng rớt Visa Mỹ đến 3 lần.

Cuộc phỏng vấn của của cô diễn ra nhanh chóng với kết quả như được dự báo từ trước: “Cô không đủ điều kiện cấp Visa”. Cô nhanh chóng bước ra, vừa đi vừa nói lớn với cô bạn thân của mình đang sắp bước vào phỏng vấn rằng: “Thôi, đậu thì đi, không đậu thì thôi cũng có sao đâu, chị em mình đi nước khác”.

Câu chuyện tưởng chừng đã kết thúc ở đó, nhưng chẳng ngờ rằng nhân viên Lãnh sự gọi Cô lại, phỏng vấn thêm lần nữa, rồi quyết định cấp Visa khiến mọi người lúc đó không khỏi ngỡ ngàng. Cả đến chính bản thân cô cũng bất ngờ. Và cô bạn thân của cô cũng được cấp Visa sau nhiều lần không thành công.

Trong trường hợp bất ngờ này có thể có nhiều sự giải thích, có thể sau khi từ chối, Viên chức Lãnh sự vẫn âm thầm quan sát thái độ của đương đơn và nhận thấy chính sự thoải mái, không quá đặt nặng chuyện đậu rớt, câu nói của cô Nga chứng tỏ rằng việc xin Visa này chỉ cho một chuyến đi du lịch bình thường, có cũng được mà không có cũng không sao. Vì thế viên chức Lãnh sự cảm thấy không còn nghi ngờ và chẳng có lý do gì để từ chối một trường hợp như vậy. Từ đó, có thể thấy rằng, đôi khi một hành động nhỏ lại có thể là điều “ghi điểm” với Viên chức Lãnh Sự, khiến họ đánh giá cao và quyết định cấp Visa Mỹ cho bạn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những trường hợp tỏ vẻ “bất cần” sẽ được đánh giá cao hơn khi Phỏng vấn Visa Mỹ. Bạn có thể thể hiện với phía Lãnh Sự Quán rằng nếu không đạt Visa Mỹ thì đó cũng không phải là một vấn đề to lớn, nhưng bạn vẫn phải giữ một thái độ lịch sự, đúng mực. Việc “bất cần” ở đây không có nghĩa là bạn sẽ tỏ ra cao ngạo, coi thường đối phương hay kém xem trọng việc phỏng vấn Visa Mỹ. Những thái độ như vậy sẽ làm cho Viên chức Lãnh Sự khó chịu và có cái nhìn thiếu thiện cảm với bạn. Vì đã từng có trường hợp một doanh nhân làm chủ doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, có hồ sơ rất mạnh nhưng cuối vùng vẫn rớt Visa Mỹ chỉ vì khi được hỏi câu hỏi quen thuộc “Chú đi Mỹ để làm gì?”, ông đã trả lời một cách thiếu lịch sự rằng: “Thì đi nước khác chán rồi. Giờ tôi thích đi Mỹ thử cho biết.” khiến Viên chức Lãnh Sự mất cảm tình và đánh rớt ông ngay sau đó.

Từ những câu chuyện trên, có thể rút ra được rằng việc tỏ ra “nịnh” hay “bất cần” trong lúc phỏng vấn có thể sẽ mang đến những kết quả trái ngược nhau. Chính vì thế, thay vì sử dụng những yếu tố này, bạn cần chú ý hơn đến việc trả lời câu hỏi một cách chân thành, trung thực và lịch sự. Vì những mánh nhỏ sẽ không thể nào mang đến lợi ích đảm bảo bằng việc chuẩn bị một cách thật kỹ càng, chu đáo, để khiến bạn có một phỏng vấn hoàn hảo hơn, đưa ra những câu trả lời thuyết phục hơn.

 
2/ Chuẩn bị và sắp hồ sơ là Kinh nghiệm Phỏng vấn Visa Mỹ quan trọng

 

 
Trước ngày Phỏng vấn xin Visa Du lịch Mỹ bạn cần chuẩn bị những giấy tờ theo ĐÚNG THỨ TỰ sau đây:
 
+ Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có dán ảnh (Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM không yêu cầu nộp CMND)
 
+ Hộ chiếu đã ký ở trang 3 và tháo hết vỏ ngoài. Hộ chiếu phải còn hiệu lực ít nhất 6 tháng kể từ ngày dự kiến kết thúc chuyến đi Mỹ. Trẻ em phải có hộ chiếu riêng kể cả khi đi cùng với bố mẹ. (Lãnh Sự Quán tại Tp. HCM không yêu cầu trẻ em phải có hộ chiếu riêng)
 
+ Tờ xác nhận của đơn xin visa DS-160, có mã vạch. Đơn này được điền và nộp trên mạng tại địa chỉ https://ceac.state.gov/genniv/ (không cần in toàn bộ hồ sơ mà chỉ cần in giấy xác nhận, nên in bằng máy in laser để đảm bảo mã vạch hoạt động tốt nhất)
 
+ Một ảnh 5 x 5 cm mới chụp trong vòng 6 tháng, trên nền trắng, thấy rõ cả 2 tai. Ảnh phải được dán hoặc dập bằng 2 ghim vào góc dưới bên tay trái của tờ xác nhận đơn DS-160.
 
+ Phiếu xác nhận cuộc hẹn phỏng vấn đã đăng ký trên mạng
 
+ Những người sử dụng hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ cần nộp thêm: Bản gốc công hàm của Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Nếu nhiều người có chung một công hàm, người nộp hồ sơ đầu tiên phải nộp bản gốc, những người sau mỗi người nộp một bản sao
 
+ Những người xin visa du học và khách trao đổi (visa F, M, và J) nộp thêm: Mẫu đơn I-20 hoặc DS-2019 (đương đơn kí vào cuối trang 1). Nếu đương đơn xin visa du học (F1) chưa đủ 18 tuổi, bố/mẹ hoặc người giám hộ cũng phải kí vào mẫu I-20
 
+ Những người xin visa để làm việc có thời hạn và những người lưu chuyển trong công ty (visa H và L) nộp thêm: Mẫu đơn I-129, Hồ sơ làm việc không định cư, hoặc mẫu I-797, Bản thông báo.
 
Lưu ý:
 
Nếu không nộp đầy đủ giấy tờ hoặc nộp không đúng thứ tự, bạn sẽ được yêu cầu rời khỏi hàng, bổ sung hoặc sắp xếp lại hồ sơ và xếp hàng lại từ đầu.
 
Tất cả những giấy tờ hỗ trợ (chứng minh những mối ràng buộc về công việc, tài chính, gia đình tại Việt Nam như: giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận sở hữu nhà đất, xe ô tô, cổ phần, cổ phiếu….) phải để riêng và chỉ nộp khi có yêu cầu.



3/ Chú ý về đường đi, trang phục, thời gian Phỏng vấn Visa Du lịch Mỹ
 

Đây tưởng chừng là những chi tiết nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng đến cả buổi Phỏng vấn Mỹ cũng như kết quả xin Visa Mỹ của bạn. Bạn cần chú ý đến các yếu tố này:
 

a) Về thời gian và đường đi:
 

Trước ngày đi phỏng vấn, bạn cần xem trước địa chỉ và đường đi đến Lãnh Sự Quán.

Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh nằm tại địa chỉ số 4 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1. Bạn cần canh chuẩn thời gian để có thể đến sớm hơn thời gian phỏng vấn ít nhất là 20 phút.

Tại Lãnh Sự Quán và quanh khu vực này có rất nhiều nơi trông giữ xe, như tại tòa nhà Kumho, Diamond Plaza,… cho phép giữ cả xe máy và ô tô với giá dao động từ 5 – 50 nghìn đồng / chiếc.

Tại Hà Nội, văn phòng Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở địa chỉ số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình.


b) Về trang phục:


Thực tế, việc chọn trang phục khi đi phỏng vấn xin visa cũng tương tự như khi phỏng vấn xin việc hay đến gặp những buổi hẹn quan trọng. Bạn không nên quá lo lắng, chỉ cần chọn trang phục thoải mái, sạch sẽ, lịch sự và phù hợp là ổn. Bạn có thể áp dụng những nguyên tắc chung sau đây để tạo cho mình một hình thức bên ngoài phù hợp và chuyên nghiệp nhất:
 

- Chọn những trang phục đem đến cho bạn sự thoải mái nhất.

- Không chọn trang phục có màu sắc nổi bật.

- Không sử dụng nhiều nước hoa có mùi nồng.

- Tốt nhất nên mặc quần vải và áo sơ mi trắng sẽ lịch sự và phù hợp hơn hoặc có thể mặc đầm và vest phù hợp với trang phục công sở.

- Tóc phải gọn gàng, không nên chải gel hay tạo kiểu quá nổi.

- Cắt tỉa móng tay cẩn thận, không trang điểm quá đậm.
 

Tóm lại, trang phục của bạn không cần phải là loại đắt tiền nhưng nhất thiết phải sạch sẽ và được là ủi tươm tất, không nên mặc một trang phục nhăn nhúm, lộm thộm sẽ gây mất thiện cảm cho người phỏng vấn cũng như không tạo được ấn tượng tốt ban đầu.

Bạn cũng cần lưu ý tránh mặc hay mang những trang phục nhạy cảm, có những yếu tố xúc phạm, tục tĩu,...

 

c) Bí quyết về trang phục Phỏng vấn Visa Mỹ dành cho nữ
 

Bạn nên mặc sơ-mi và quần vải hoặc váy chữ A ngang đầu gối. Không mang giày quá cao, nên chọn những đôi giày cao khoảng 5cm có màu hợp với trang phục sẽ giúp bạn tự tin và thoải mái hơn. Nhớ mang thắt lưng trong trường hợp đóng thùng, màu thắt lưng phải hợp với màu giày của bạn nhé.
 

Đặc biệt phải chú ý đến tóc tai vì phụ nữ dễ tạo được ấn tượng thông qua mái tóc của mình. Nếu tóc dài, bạn có thể cột lại đằng sau cho gọn gàng, tránh trường hợp bạn vào phỏng vấn với mái tóc rối bời xõa ngang lưng.
 

Không nên mang quá nhiều trang sức khi đến phỏng vấn, tránh mang những trang sức đong đưa và tạo nên tiếng kêu mỗi khi bạn di chyển. Cắt tỉa mỏng tay cẩn thận, tránh sơn móng tay với màu sặc sỡ. Nên trang điểm đơn giản, không dùng những màu nổi bật kiểu mắt xanh, môi tím hoặc mỹ phẩm có kim tuyến lấp lánh…
 


 

d) Bí quyết về trang phục Phỏng vấn Mỹ dành cho nam


Nam nên chọn áo sơ-mi có màu sắc cổ điển như xanh đậm, xám nhạt, ghi, kem, hoặc sơ mi trắng lịch sự, đừng mặc các đồ quá nổi, màu quá chói hoặc họa tiết hoa hòe,... để tạo cho mình một vẻ ngoài chững chạc, có thể thắt cà vạt (nếu muốn). Thắt lưng và giày tốt nhất phải có màu giống với màu quần tây, không nên mang những đôi giày đã quá cũ, sờn da, cần đánh xi lại cho mới.
 

Bạn không nên đi phỏng vấn với mái tóc kiểu model dài rủ xuống mặt, xù xì…mà phải thật gọn gàng, sạch sẽ. Bất kì ai cũng không hề thích nhìn bạn trong khi mái tóc lùm xùm hoặc khô cứng rối rắm…Không nên dùng nước hoa có mùi quá nồng, có thể sẽ ảnh hưởng không tốt với những người xung quanh, đặc biệt là người phỏng vấn bạn.


e) Bí quyết về trang phục Phỏng vấn Visa Du lịch Mỹ dành cho người lớn tuổi

Đối với những người cao tuổi, chỉ cần lựa chọn một bộ trang phục đơn giản mà nhã nhặn, lịch sự là đã thích hợp cho việc Phỏng vấn xin Visa Mỹ, chẳng hạn như một bộ trang phục gồm áo sơ mi màu sắc đơn giản, quần âu bỏ thùng cùng giày da cho nam, hay áo kiểu và quần tây / quần kaki cùng giày hoặc sandal cho nữ.

Quá trình phỏng vấn thường sẽ mất thời gian, có khi là cả một buổi sáng. Bạn cũng cần lưu ý lựa chọn những loại trang phục với thiết kế đơn giản, những chất liệu nhẹ, thoáng mát để giữ được sự thoải mái trong thời gian xếp hàng hay ngồi chờ phỏng vấn.

 

Một số lưu ý khác:
 

Bạn không được phép mang các thiết bị điện tử, bao gồm cả điện thoại di động vào bên trong Đại sứ quán Hoa Kỳ. Để tiết kiệm thời gian, bạn nên để các thiết bị này ở nhà hoặc trong ô tô/xe máy. Bạn cũng có thể gửi các thiết bị này ở phòng bảo vệ trong thời gian Phỏng vấn Visa Mỹ.

Khi qua cửa bảo vệ, bảo vệ sẽ giữ lại giấy tờ tùy thân cho đến khi bạn rời khỏi tòa nhà.

Nếu bạn dưới 17 tuổi thì bạn phải đi cùng bố/mẹ hoặc người bảo trợ hợp pháp đến cùng phỏng vấn.


Trên đây là tất tần tật hướng dẫn chuẩn bị phỏng vấn xin Visa Mỹ mà VYC Travel muốn chia sẻ với bạn, để bạn có một sự chuẩn bị thật tốt trước khi phỏng vấn. VYC Travel chúc bạn có một buổi phỏng vấn Visa Mỹ thành công tốt đẹp.

Xem thêm
   



 
 

MỌI CÂU HỎI QUÝ KHÁCH VUI LÒNG LIÊN HỆ CÁC TƯ VẤN VIÊN

VYC TRAVEL
178 – 180 Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Tp.HCM

PHÒNG TƯ VẤN VISA - DU HỌC - ĐỊNH CƯ

Website: http://www.vyctravel.com
Email: info@vyctravel.com
Tel: 028 3836 88 99 - 028 3836 89 89
Hotline tư vấn VISA:
+ Hotline 1: (+84) 917 783 311
+ Hotline 2: (+84) 911 149 229


 
Bài viết này có hữu ích với bạn hay không?
Rất hữu ích Rất hữu íchRất hữu ích
Hữu ích Hữu íchHữu ích
Không hữu ích Không hữu íchKhông hữu ích

Thông tin du Lịch

Visa du Lịch

Banner VYC
Facebook messenger